Nhu cầu về năng lượng hàng ngày của cơ thể

12/28/2018  00:00

Thức ăn cung cấp năng lượng cho cơ thể dưới dạng: glucid, lipid, protid. Thức ăn còn cung cấp các acid amin, acid béo, vitamin và các chất cần thiết cho cơ thể phát triển và duy trì các hoạt động của tế bào và tổ chức.

1. Tiêu hao năng lượng cơ thể:

Trong quá trình sống của mình, cơ thể con người đòi hỏi cung cấp năng lượng để thực hiện các phản ứng sinh hóa, tổng hợp xây dựng các tế bào, tổ chức mới. Nguồn năng lượng đó được cung cấp từ thức ăn chính là đạm (protid), mỡ (lipid) và đường (glucid).

Nói đến năng lượng chúng ta được cung cấp từ thức ăn chúng ta thường sử dụng đơn vị tính là Calor (viết tắt là cal) hay Kilocalor (Kcal).

Giá trị sinh năng lượng của các chất protid, glucid, lipid có khác nhau với cùng 1 đơn vị khối lượng, trong đó Lipid có giá trị sinh năng lượng cao nhất. Khi chúng ta ăn vào 1 gram protid thì sẽ cung cấp cho chúng ta 4 Kcal, 1 gram glucid cung cấp cho chúng ta 4 Kcal, nhưng 1gram lipid cung cấp tới 9 Kcal.

2. Nhu cầu năng lượng tối thiểu (Chuyển hóa cơ sở)

Nhu cầu năng lượng tối thiểu (chuyển hoá cơ sở) là năng lượng cơ thể tiêu hao trong điều kiện nghỉ ngơi, nhịn đói và trong điều kiện nhiệt độ lý tưởng. Đó là năng lượng cần thiết để duy trì các chức phận sống của cơ thể như tuần hoàn, hô hấp, bài tiết, tiêu hóa, duy trì tính ổn định các thành phần của dịch thể bên trong và bên ngoài tế bào.

Người ta biết rằng hoạt động của gan cần đến 27% năng lượng của chuyển hoá cơ sở, hoạt động của não  cần 19%, của tim cần 8%, của thận cần 10%, của cơ cần 18%, và các bộ phận còn lại chỉ chiếm 18%.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chuyển hóa cơ sở: tình trạng hệ thống thần kinh trung ương, cường độ hoạt động các hệ thống nội tiết và men... Chức phận một số hệ thống nội tiết làm chuyển hóa cơ sở tăng (ví dụ: tuyến giáp) trong khi đó hoạt động một số tuyến nội tiết khác làm giảm chuyển hóa cơ sở (ví dụ: tuyến yên).

Chuyển hóa cơ sở của trẻ em cao hơn ở người lớn tuổi. Ở người đứng tuổi và người già chuyển hoá cơ sở thấp dần song song với sự giảm khối nạc (cơ) và tăng khối mỡ. Ở người trưởng thành, năng lượng cho chuyển hóa cơ sở vào khoảng 1kcal/kg cân nặng/1 giờ.

phụ nữ có thai chuyển hóa tăng trong thời kì mang thai, và cao nhất ở những tháng cuối, trung bình ở phụ nữ có thai chuyển hóa cơ sở tăng 20%.

Cấu trúc cơ thể của một người có ảnh hưởng đến chuyển hóa cơ sở, so sánh người có cùng trọng lượng, người có khối mỡ nhiều chuyển hóa cơ sở thấp hơn so với người có khối nạc nhiều.

Sau một bữa ăn chuyển hóa cơ sở tăng lên từ 5% đến 30%, người ta gọi đó là tác dụng động lực đặc hiệu, trong đó protid tăng tới 40%, lipid 14%, glucid 6%.

Tác giả: TS.BS. Phạm Trần Linh - Viện tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai