Tác giả: ThS.BS. Nguyễn Anh Quân - Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai
Bạn “chờ” khi có dấu hiệu đau đầu, chóng mặt hay tức ngực, khó chịu trong người mới nghĩ đến Tăng huyết áp? Quá muộn, bạn có thể đã bị những biến chứng nguy hiểm của “kẻ giết người thầm lặng” này như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim hay phình tách thành động mạch chủ, …
Thực tế là đa số người bệnh Tăng huyết áp không có triệu chứng hay dấu hiệu gì bất thường, ngay cả khi con số huyết áp đo được rất cao, thậm chí huyết áp tâm thu có thể lên tới hơn 200 mmHg (!). Rất nhiều trường hợp bệnh nhân Tăng huyết áp được phát hiện tình cờ như đi tiêm vaccine COVID-19 hay thông qua một số chương trình sàng lọc được Hội tim mạch học Việt Nam thực hiện nhân ngày Tăng huyết áp thế giới (17/05) hàng năm.
Có thể bạn chưa biết:
- Tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch phổ biến (có lẽ là 1 trong những bệnh lý phổ biến nhất) với ước tính hiện có tới 1,4 tỷ người trên thế giới mắc bệnh. Tại Việt Nam, cứ 4 người trưởng thành có 1 người bị Tăng huyết áp và tỷ lệ này đang gia tăng.
- Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ tim mạch quan trọng nhất (cùng với hút thuốc, tiểu đường, rối loạn lipid máu, thừa cân/béo phì, …); là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm (ước tính khoảng 10 triệu người mỗi năm, gấp hơn 2 lần số bệnh nhân tử vong do COVID-19, trong đó khoảng 4,9 triệu người tử vong do bệnh mạch vành và 3,5 triệu người tử vong do đột quỵ).
- Những dấu hiệu của bệnh có thể chính là biến chứng tổn thương các cơ quan đích như:
- Tim: đau ngực, hồi hộp, khó thở (triệu chứng của bệnh lý động mạch vành cấp máu cho tim, nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim, …)
- Não: đau đầu, nói khó, yếu nửa người, đại tiểu tiện không tự chủ, … (triệu chứng của đột quỵ-nhồi máu não hay chảy máu não, tai biến mạch não thoáng qua).
- Mắt: giảm thị lực, mù loà (bệnh võng mạc do Tăng huyết áp).
- Thận: suy thận, bệnh lý cầu thận, …
- Mạch máu: phình tách động mạch chủ, bệnh động mạch ngoại vi, …
- Đừng “đợi” Tăng huyết áp đến với bạn, hãy chủ động phát hiện Tăng huyết áp bằng cách thường xuyên đo huyết áp mỗi khi có thể. Hiếm có bệnh lý nào dễ chẩn đoán như Tăng huyết áp: chỉ cần đo huyết áp đúng cách, có thể tự chẩn đoán bằng theo dõi huyết áp tại nhà (với một số người bệnh bị hiện tượng Tăng huyết áp áo choàng trắng, tức là huyết áp đo bình thường không cao nhưng khi đến cơ sở y tế, tiếp xúc với nhân viên y tế thường xuyên cao thì điều này càng có ý nghĩa để chẩn đoán bệnh). Khi con số huyết áp của bạn thường từ 140/90 mmHg trở lên, có thể bạn đã bị bệnh Tăng huyết áp, bạn nên đi khám để được làm một số xét nghiệm cơ bản và được tư vấn về những biện pháp điều trị cần thiết như thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, tập luyện và dùng thuốc.
Chúng tôi, những bác sĩ chuyên khoa Tim mạch tại Viện tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai đang hàng ngày, hàng giờ phải cấp cứu, điều trị cho những bệnh nhân Tăng huyết áp khám, nhập viện vì các biến chứng của bệnh. Do vậy, thông điệp chúng tôi muốn gửi tới bạn là: Hãy cảnh giác với Tăng huyết áp – “kẻ giết người thầm lặng” và hãy “Nhớ số đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình”.
